Thế nào là Tời?

Tời là một thiết bị dùng để nâng vật lên cao hoặc kéo tải dịch chuyển trong mặt phẳng ngang hay nghiêng. Tời có thể sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp với các cơ cấu khác như ở các cầu trục, máy đào v.v..

Cấu tạo chung của tời gồm có: tang cuốn cáp với một hoặc nhiều lớp cáp, hệ thống truyền lực, bộ phận dẫn động cơ và bộ phận phanh hãm v.v.. Tời có nhiều loại khác nhau. Theo nguồn dẫn động có thể phân thành: tời tay và tời máy. Theo số tang cuốn cáp có tời một tang và tời nhiều tang. Theo công dụng có tời nâng, tời kéo, tời cho cơ cấu quay.

  1. Tời tay:

Tời tay để nâng các vật nhẹ hoặc kéo các xe có tải trọng nhỏ. Khi làm việc tời được kẹp chặt trên nền hoặc gắn trên tường. Việc kẹp chặt phải đảm bảo chắc chắn, chịu được hai lần lực kéo danh nghĩa.

Tời gắn trên tường không sử dụng phanh mà lợi dụng khả năng tự hãm của bộ truyền bánh vít trục vít.

  1. Tời máy:

Tời máy được dẫn động bằng động cơ, thường là động cơ điện. Tời được gắn trên khung bệ để dễ dàng vận chuyển, cũng như định vị chống lực kéo ngang hoặc nghiêng. Tời máy hay được phối hợp với tổ hợp ròng rọc (palăng cáp) để kéo hoặc nâng được những vật rất nặng. Lượng cáp chứa trên tời rất lớn, có thể dẫn đến 200 – 400 m. Có nhiều loại tời khác nhau như: tời một tang quay hai chiều, tời nhiều tốc dộ, tời ma sát. Khi nguồn động lực là động cơ đốt trong thường dùng sơ đồ tời nhiều tang dẫn động chun.

Tời một tang quay hai chiều dẫn động điện được dùng nhiều trong xây dựng và ở các bãi lắp ráp. Động cơ điện được nối với hộp giảm tốc bằng khớp nối đàn hồi . Vành ngoài của nửa khớp nối phía hộp giảm tốc đồng thời là bánh phanh. Điện trở dùng để khởi động cho động cơ dây cuốn 7 với ba đến bốn nấc điện trở chuyển đổi nhờ hộp điều khiển cần gạt.

Điều kiện lắp đặt các kết cấu xây dựng, các thiết bị nặng đòi hỏi tời phải có nhiều tốc độ. Các tốc độ cao dùng  để nâng tải và hạ móc không tải. Các tốc độ thấp dùng để đặt và điều chỉnh tải vào vị trí lắp ráp.

Khác với tời điện đảo chiều, tời ma sát có liên hệ ma sát giữa tang và động cơ qua nối trục ma sát (ly hợp). Ở tời ma sát, động cơ luôn quay một chiều theo chiều nâng, khi hạ vật ly hợp được mở và vật rơi tự do. Tốc độ hạ vật được khống chế bằng phanh đai. Nguyên lý này có thể sử dụng một động cơ dẫn động cho nhiều tang, mỗi tang sẽ có một ly hợp và một phanh riêng.

So sánh hai loại tời trên, ta thấy tời điện đảo chiều làm việc có độ tin cậy cao, điều khiển đơn giản do vậy được sử dụng rộng rãi. Tời ma sát một chiều có ưu điểm khởi động êm, có thể sử dụng động cơ đốt trong để dẫn động nhiều tang. Tuy nhiên làm việc không chắc chắn, khó khống chế tốc độ hạ vật và khó thực hiện việc điều khiển tự động nên ít được dùng, hiện chỉ thấy một số cần trục tự hành và một số cơ cấu chuyên dùng khác.

Khi cần phải kéo hàng, kéo toa xe v.v.. với lượng cáp khá lớn người ta dùng tời ma sát kiểu tang lõm. Cáp chỉ vòng qua tang dẫn vài vòng, sau đó rời khỏi tang và được xếp vào bên cạnh hoặc cuốn lên một tang riêng. Dạng lõm của tang đảm bảo cáp không bị chạy dọc theo tang trong quá trình làm việc mà nó luôn trượt lại và nằm ở giữa tang. Thông qua ma sát giữa cáp và tang, lực kéo được truyền cho cáp.

Tời máy ngày nay được chế tạo với lực kéo đến 10000 daN. Một số loại tời dùng trong công nghiệp đóng tàu có lực kéo lên đến 80000 daN và có hệ thống dẫn động làm việc theo nguyên tắc điện - thủy lực.

 

PA LĂNG

Palăng là một thiết bị nâng được treo ở trên cao, gồm một cơ cấu nâng, trong nhiều trường hợp được trang bị thêm cơ cấu di chuyển. Đặc điểm của nó là kích thước nhỏ gọn, kết cấu không phức tạp, trọng lượng nhẹ. Palăng thường được treo vào các dầm, cột chống, giá chuyên dùng hoặc treo vào xe con di chuyển. Dẫn động palăng có thể bằng tay hoặc điện, cũng có palăng dẫn động bằng khí nén. Dây treo hàng có hai loại là xích và cáp.

  1. Palăng xích kéo tay

Palăng xích kéo tay được sử dụng trong các công việc lắp ráp, sửa chữa hoặc khi không có nguồn điện với tải nâng nhỏ, chiều cao nâng không lớn và sử dụng không thường xuyên.

Dẫn động bằng xích kéo tay vòng qua bánh kéo làm quay trục dẫn của palăng. Đĩa xích kéo thường có số răng nhỏ hoặc đường kính nhỏ. Tùy theo loại truyền động có palăng xích kiểu trục vít và kiểu bánh răng. Loại sau so với loại trước có hiệu suất cao hơn nên có thể sử dụng để nâng vật nặng và với tốc độ lớn hơn. Hiệu suất palăng xích kiểu bánh răng 0,7 – 0,85, còn ở loại bánh vít trục vít 0,55 – 0,8.

Palăng trục vít gồm móc treo, bộ khung trong đó có lắp bánh vít gắn với đĩa xích treo tải. Trục vít được dẫn động nhờ đĩa xích kéo. Bộ truyền trục vít được chế tạo không tự hãm, do vậy palăng nhất thiết phải được trang bị phanh.

Palăng xích kiểu bánh răng sử dụng bộ truyền hành tinh có kết cấu nhỏ gọn. Moomen được truyền từ bánh kéo sang trục dẫn. Nhờ các bánh răng hành tinh luôn ăn khớp với vành răng cố định gắn trên vỏ nên các trục của bánh răng làm cần quay dẫn động cho đĩa xích tải. Palăng được trang bị phanh tự động với mặt ma sát tách rời.

Palăng xích kéo tay được chế tạo với sức nâng từ 0,5 đến 20 t.

  1. Palăng điện

Palăng điện có ưu điểm là trọng lượng nhỏ, kết cấu gọn, độ tin cậy cao, chi phí bảo dưỡng, sữa chữa thấp, dễ thay thế các chi tiết hư hỏng, dễ sử dụng, hiệu suất cao. Palăng điện được sử dụng như một máy độc lập hoặc làm nhiệm vụ cơ cấu nâng trong các máy như cầu trục, cổng trục, cần trục côngxôn v.v.. khi này nó được trang bị thêm cơ cấu di chuyển. Cơ cấu di chuyển palăng có kiểu treo di chuyển trên một hoặc hai ray là cánh dưới của dầm thép định hình chữ I. Cũng có khi là kiểu đặt đi chuyển trên hai ray.

Do yêu cầu nhỏ gọn nên các bộ truyền bánh răng trong palăng điện thường được chế tạo bằng các loại thép hợp kim crôm, crôm – nicken v.v.., thường sử dụng các bánh răng có số răng nhỏ, hay dùng truyền động hành tinh. Ngày nay Palăng được chế tạo với sức nâng 0,32-32t, chiều cao nâng có thể lên đén 30m. Tốc độ nâng 3-15 m/ph. Trong trường hợp cần thiết có thể có them tốc độ nhỏ hơn tốc độ chính vài ba lần.

Kết cấu palăng điện rất đa dạng, khác nhau chủ yếu về cách bố trí động cơ. Có thể phân biệt ba loại: động cơ bố trí đồng trục với tang, động cơ bố trí ngay trong tang và động cơ bố trí song song với tang.

Để tiện cho việc thay tế, sửa chữa, một số loại palăng có động cơ điện lắp đồng trục và được bố trí hở ở ngoài đầu tang. Cách bố trí này còn tạo điều kiện thoát nhiệt tốt cho động cơ. Cũng nhằm mục đích đảm bảo gọn, người ta còn sử dụng động cơ lồng sóc có rôto dạng côn. Bánh phanh này luôn ép vào một đĩa côn khác gắn cố định trên vỏ palăng nhờ một lò xo nén. Lúc này giữa rôto và stato có khe hở khá lớn. Khi cấp điện cho động cơ, từ trường do stato sinh ra sẽ hút rôto vào phía trong, khắc phục lực ép của lò xo, hai bánh phanh tách rời nhau. Đồng thời với quá trình trên, mômen quay của rôto tăng lên đảm bảo chuyển động ổn định cho vật nâng. Hệ thống truyền động sử dụng bộ truyền hành tinh làm phức tạp nhiều về kết cấu nhưng tạo được tỷ số truyền cao, kích thước palăng nhỏ, gọn.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận